Nhận bàn giao căn hộ chung cư, hướng dẫn 10 bước chi tiết nhất!

Việc nhận bàn giao căn hộ khi mua căn hộ chung cư. Hầu như ai cũng háo hức mong chờ đến ngày nhận bàn giao từ phía chủ đầu tư. Tuy nhiên, do là lần đầu nhận nhà nên ít ai biết phải làm gì khi đi nhận căn hộ chung cư? Quy trình nhận bàn giao căn hộ chung cư ra sao? Cách đi nhận căn nhà không bị lỗi kỹ thuật, hay phát hiện lỗi để chủ đầu tư sửa chữa lại.

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn những lưu ý khi kiểm tra và nhận bàn giao căn hộ chung cư chuẩn xác nhất.

Trước khi tới nhận bàn giao căn hộ

Trước khi đi nhận hoặc có thông báo bàn giao nhà. Bạn nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản vẽ kỹ thuật căn hộ như. Diện tích các khu vực, tường, chiều dài cao rộng, đường điện, nước… Cũng như danh sách các vật dụng nội thất của căn hộ để dễ dàng kiểm tra.

Việc này cũng có lợi thế khi bạn lên bản thiết kế nội thất, trang trí căn hộ trước. Để có nhiều thời gian chỉnh sửa thay đổi thiết kế, chi phí, chất lượng nội thất… để có một căn hộ như ý gia đình mình nhất.

Chuẩn bị hồ sơ, biên bản nhận bàn giao căn hộ theo lịch hẹn với chủ đầu tư.

Sơ đồ điện căn hộ. Một trong những bản vẽ kỹ thuật căn hộ

Tới nhận bàn giao căn hộ

Đối chiếu các thông tin, hồ sơ để đảm bảo đã hoàn tất các trách nhiệm. Tài chính, hành chính, điều kiện tiếp nhận bàn giao căn hộ.

Tuân thủ các quy định về an toàn, bảo hộ lao động, các quy định tại công trình.

Lưu ý: Sử dụng các loại giày bít chân để tránh dẫm đinh hay các mảnh vụn vật tư. Giày dễ cởi mở linh hoạt. Quần áo thật rộng rãi, thoải mái vì rất dễ đổ mồ hôi trong quá trình kiểm tra

Ngoài ra các vật dụng cần mang theo:

Hợp đồng mua bán, phụ lục hợp đồng (có ghi chi tiết các thiết bị của chủ đầu tư khi bàn giao căn hộ). Bản vẽ kỹ thuật đã xin từ chủ đầu tư.

Tô vít nhỏ, bút thử điện hoặc đèn ngủ loại cắm trực tiếp được vào ổ cắm.

Xô hoặc chậu nhỏ để đựng nước.

Thước dây loại cứng, thước kẻ 30cm, bút bi, bút lông chùi được.

Đèn pin hoặc điện thoại có chức năng đèn pin.

Mang theo hoặc mượn ghế cao, thang để kiểm tra trên cao.

Ưu tiên trang phục thoải mái

10 bước nhận bàn giao căn hộ

Nhận bàn giao căn hộ là công việc rất dễ xảy ra sai sót. Nhất là những người mua nhà lần đầu. Dưới đây chúng tôi sẽ tổng hợp quy trình 10 bước khi nhận bàn giao căn hộ. Một cách ngắn gọn nhưng rất cần thiết cho khách hàng.

Bước 1: Nghiệm thu điều hòa

Đầu tiên, đóng tất cả cửa phòng lại và bật điều hòa để nhiệt độ khoảng 22 độ. Đếm số lượng điều hòa, số lượng cục nóng.

Tất cả các phòng đều mát, và phải ngắt lốc sau tối đa 2 tiếng, aptomat không nhảy.

Không chảy nước xuống sàn tại miệng thổi và miệng hồi, hay rỉ nước xuống sàn.

Lắng nghe khi cục nóng chạy có phát ra tiếng ồn quá to không. Nếu ồn thì phải kiểm tra:

– Kiểm tra các tấm vận chuyển đã tháo chưa.

– Kiểm tra đường ống có bị chạm vào vỏ máy không.

– Kiểm tra xem cục nóng có bị nghiêng, xiêu vẹo hay không. Các bulong ốc vít có lắp đủ và chặt không.

– Kiểm tra đầu chờ ống đồng điều hòa có được bịt kín chưa (Nếu không bàn giao máy điều hòa). Đường ống có bị nhô ra ngoài không?

Lắng nghe tiếng động hay rò rỉ nước từ máy điều hòa

Bước 2: Các thiết bị điện, viễn thông

Kiểm tra tủ điện: Các aptomat phải ở tình trạng giật xuống là tắt, kéo lên là bật.

Kiểm tra ổ cắm để xem tình trạng có điện của các ổ. Sử dụng bút thử điện, chú ý các dây nóng và lạnh có cùng quy tắc lắp đặt hay không.

Kiểm tra quạt gió vệ sinh, máy hút mùi: Nhanh nhất là châm điếu thuốc lá (hoặc nhang), hít một hơi, phả khói vào gần quạt rồi theo dõi xem tốc độ hút.

Tắt mở công tắc kiểm tra bóng đèn, yêu cầu sáng đều không bị nháy.

Dùng bút thử kiểm tra rò điện. Nên kiểm tra trên tường, khu xung quanh công tắc và ổ điện.

Mở hẳn nắp hộp cầu dao điện tổng kiểm tra đã có cầu nối tiếp địa chưa, thường là màu vàng sọc xanh. 

Nên kiểm tra số lượng các ổ cắm điện theo bản vẽ kỹ thuật chủ đầu tư cung cấp. Để kiểm tra đường đi hệ thống điện. Sau này khoan tường hay lắp đặt các thiết bị cũng dựa vào bản vẽ này để an toàn. Đã có trường hợp tai nạn điện do khoan trúng mạch.

Bật sẵn bình nóng lạnh khoảng 15ph sau kiểm tra xem có nước nóng hay không

Kiểm tra có đủ đầu chờ internet, truyền hình cáp ở phòng khách, phòng ngủ có đầy đủ không, có được bọc kín hay không?

Dây tiếp đất khá quan trọng

Bước 3: Kiểm tra tường, trần

Nhìn màu sơn phải đồng đều, không loang lổ. Lưu ý các chỗ quanh công tắc, miệng điều hòa, quạt gió là hay lỗi nhất.

Kiểm tra độ phẳng tường: dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa thước và tường. Tắt đèn và dùng đèn pin soi ngược lại xem ánh sáng lọt ngược lại. Kiểm tra đặc biệt ở cao độ khoảng 1,5m đến 1,8m (giao giữa hai dàn giáo) là hay lỗi nhất.

Tường có nứt, bẩn hay thấm nước hay không. Đặc biệt các vách tiếp xúc trời mưa, nhà tắm, vệ sinh.

Nhìn xem trần có phẳng, nếu chủ đầu tư bàn giao là có trần thạch cao kiểm tra xem có đúng không thương hiệu cam kết?

Bước 4 : Kiểm tra sàn gỗ, sàn gạch

Yêu cầu có giấy tờ ghi rõ chủng loại, xuất xứ của sản phẩm lắp đặt. Cung cấp các thông số kỹ thuật, đặc tính của vật liệu. Giấy bảo hành và thời hạn bảo hành.

Phần sàn gỗ:

Màu sắc: đều màu, kiểm tra lớp phủ vân bề mặt, nếu xước nặng, lỗi bắt thay.

Kiểm tra độ phẳng của sàn bằng thước nhôm. Kết hợp đèn pin như kiểm tra tường, nếu không phẳng, yêu cầu sửa lại.

Kiểm tra các khe hở giữa 2 tấm gỗ, nếu hở lớn, yêu cầu sửa lại.

Kiểm tra toàn bộ mặt sàn xem có chỗ nào phồng, rộp không. Chú ý các góc nhà, cạnh tường và cửa toilet, nếu có lỗi, yêu cầu sửa.

Đi lại trên sàn phải không có tiếng cọt kẹt, cứ đi lại, đi khắp các vị trí sàn. Và nhún trên sàn thì sẽ phát hiện ra.

Kiểm tra nẹp chân tường: Phải đồng mầu, chỗ nối đấu đầu nẹp chân tường phải phẳng. Không nhìn thấy nốt đinh trên mặt nẹp. Các đoạn nối không được quá ngắn, phải > 1,5 – 2m cho mỗi đoạn. Chỗ tiếp giáp giữa nẹp chận tường và sàn gỗ không được hở khe theo mặt bằng và mặt đứng. Nếu hở mặt bằng tức là sàn gỗ bị hụt. Hở mặt đứng là nẹp chân tường bị lẹm hoặc cong.

Các lỗi thường gặp: Phồng rộp, khẽ nứt không đều và chênh

Phần gạch ốp:

Các mạch ốp phải thẳng, đều và sắc nét. Toàn bộ bề mặt kết cấu phải làm sạch vữa, bột trát mạch và các vết bẩn ố trên bề mặt ốp. Công tác kiểm tra chất lượng ốp tiến hành theo trình tự thi công và bao gồm các chỉ tiêu chính như sau:

Độ phẳng của mặt ốp, làm tương tự như kiểm tra tường.

Độ đặc chắc và bám dính của nền ốp với vật liệu ốp – gõ vào bề mặt gạch ốp.

Độ đồng đều của của mặt ốp về màu sắc, hoa văn, các mạch ốp, chi tiết trang trí.

Đối với các phòng khác cũng kiểm tra tương tự, về độ phẳng, đồng đều màu sắc, không bị nứt, vỡ. Các mạch gạch phải được đầy và cùng màu sàn gạch.

Các ron gạch ốp tường: Có đều, đầy đặn và phẳng hay không.

Mặt ốp phải thoả mãn các yêu cầu:

Tổng thể mặt ốp phải đảm bảo đúng hình dáng, kích thước hình học theo yêu cầu của thiết kế.

Vật liệu ốp phải đúng quy cách về chủng loại, kích thước và màu sắc. Không cong vênh, sứt mẻ, không có khuyết tật.

Màu sắc của mặt ốp bằng vật liệu nhân tạo phải đồng nhất.

Các mạch ốp ngang dọc phải sắc nét, đều thẳng và đầy vữa.

Vữa trát trên kết cấu phải chắc đặc. Khi kiểm tra vỗ lên mặt ốp không có tiếng bộp. Những viên bị bộp và long chân phải tháo ra ốp lại.

Trên mặt ốp không được có vết nứt, vết ố do vữa, sơn, vôi. Hoặc do các loại hoá chất gây ra.

Khi kiểm tra bằng thước dài 2m đặt áp sát vào mặt ốp. Khe hở giữa thước và mặt ốp không quá 2mm.

Và quan trọng có bị ứ đọng nước hay không (Rất hay bị). Có thể dùng xô nước để test từng khu vực. Khu vực balcon có bị ngược nước vào nhà hay không?

Bước 5: Kiểm tra cửa gỗ, cửa nhôm kính, cửa kính bếp

Màu sắc: Màu đều, không lệch màu giữa các cửa và trong cùng một bộ cửa. Kể cả khuôn cửa và nẹp cửa. Không bị cháy đen tại các góc có nẹp trang trí.

Hoàn thiện: Nhẵn mịn, không bị thô ráp, không bọt khí trên bề mặt. Kiểm tra bằng cách dùng tay mà xoa lên mặt gỗ.

Phải nhìn thấy vân gỗ: Có nhiều cánh khi phun bị cháy mầu. Thợ sẽ đè mầu mất vân gỗ như sơn bệt.

Cánh lắp phải thẳng: Kiểm tra bằng cách mở cửa ra khoảng 45 độ, thấy cánh không tự đóng hay tự mở.

Đối với cửa nhôm kính, phải không trầy xước, kéo ra nhẹ nhàng. Silicon bơm mép kính và khung nhôm phải đều và bóng phẳng.

Khóa cửa nhôm dùng tay giật và đẩy nhẹ, cánh không được rung lắc quá mạnh.  Khi kiểm tra thì kéo ra vào phải nhẹ, không kẹt, vấp. Và khi đóng toàn bộ nhìn khe giữa hai cánh cửa kính phải đều và cùng nằm trên mặt phẳng.

Kiểm tra

Kiểm tra bản lề, phải sạch sẽ, không dính sơn PU (sơn gỗ). Các đầu vít không bị toét, bản lề không bị xước. Bản lề phải đục chìm vào trong khuôn, không lắp nổi trên mặt khuôn.

Kiểm tra khóa cửa: Đóng cánh cửa, khóa phải dễ không bị kẹt. Thử tất cả các khoá không bị xiết, đút chìa rút chìa nhẹ nhàng. Sau khi đóng cửa cầm tay khóa, giật và đẩy nhẹ, nếu cánh bị lắc tức là đục khóa sai. Cánh cửa khi khóa có độ chặt vừa phải, cánh đục sai sẽ gây tiếng ốn nếu gió từ ban công vào.

Kiểm tra kích thước: Cánh cửa cách sàn tối đa 5mm, cách khuôn cửa tối đa 2mm. Nhưng cũng không được sát quá không là bị xệ, chạm đất và chạm khuôn.

Kiểm tra số lượng chìa cho mỗi khóa, thử từng chìa cho mỗi ổ khóa. Lấy băng dính giấy ghi lại dán lên chìa cho dễ tìm về sau.

Một trong những lỗi gạch ốp thường gặp

Bước 6: Kiểm tra khu vệ sinh

Đóng hết đường thoát nước chậụ, mở vòi nước (cả nóng lạnh để kiểm tra luôn). Cho gần đầy sau đó xả nước và quan sát :

Nước chậu thoát trước 01 phút. => Không bị tắc, cái nào thoát chậm phải xem lại (tương tự kiểm tra cho chậu rửa ở bếp). Kiểm tra xi phông xung quanh có bị thấm nước không.

Không có mùi nhà vệ sinh, bồn rửa để đảm bảo phiễu cách mùi tốt.

Kiểm tra số lượng phễu thoát sàn: Nguyên tắc tắm đứng riêng, sàn riêng là 2 cái.

Giật nước bồn cầu và quan sát xem có bị thấm ra sàn không. Mở nắp két nước ra quan sát xem van phao có hở không. Vẩy một giọt mực vào trong bệ xí cho dễ nhìn.

Lô cống thoát bị lỗi không ngăn mùi tốt

Các thiết bị khác 

Như sen, vòi, xịt kiểm tra tình trạng xem có hoạt động tốt không. Tắt vòi nước còn rỉ ra không.

Kiểm tra có vòi xối để lấy nước lau nhà không.

Kiểm tra đường cấp nước, thoát nước cho máy giặt. Ống thoát nước thường cao hơn 20-30cm so với sàn.

Phần ốp lát, kiểm tra như phần lát gạch. Riêng mặt đá kiểm tra các cạnh xem có nhẵn bóng không (lấy tay mà sờ).

Với vách kính tắm đứng đóng cửa lại, mở nước ra, phun nước lên các phần gioăng cửa. Xem có bị hở, kiểm tra xem nước có bắn ra ngoài không, nước trên sàn có thoát kịp không. Kiểm tra silicon có được bắn gọn đẹp hay lem nhem ra ngoài không. Kiểm tra gờ chặn nước phải cao 10 phân. Nếu không đạt, yêu cầu sửa chữa.

Cuối cùng với khu vệ sinh: 

Khi đảm bảo đã kiểm tra kỹ vệ sinh. Thì hứng lấy một xô nước đầy, ra ngoài cửa và dội vào trong sàn vệ sinh. Quan sát xem nước thoát thế nào. Có bị đọng ở đâu không, nếu không đọng và thoát nhanh là ổn.

Kiểm tra van tổng nước nóng, lạnh từ đồng hồ đo nước tại hộp kỹ thuật hành lang. Đóng mở thử để đảm bảo van tổng cắt nước tốt, không bị hở. Đồng hồ có phải đúng đồng hồ đo nước nhà mình không, hay bị đánh dấu nhầm. Yêu cầu cho biết đồng hồ nước có được kiểm định tại các cơ quan nhà nước không? Chốt chỉ số đồng hồ nước.

Đọng nước do mặt sàn rút nước không đều
dung bi test thoat nuoc
Có thể dùng bi để test thoát nước

Bước 7: Kiểm tra tủ quần áo, tủ bếp, tủ gỗ lavabo

Các bản lề bật cho tủ bếp phải bắt chắc chắn và đầy đủ vít. Với cánh có chiều cao <60cm thì cần 2 bản lề cho mỗi cánh. Lớn hơn phải có từ 3-4 bản lề/cánh. 

Kiểm tra các ngăn kéo kéo ra nhẹ nhàng. Không tự trôi ra, các ruột ngăn kéo phải được phủ các loại như: Sơn, acylic, laminate, sơn bệt, melamine, veneer hoặc Melamine. Cẩn thận nhấc hẳn ngăn kéo ra ngoài nhìn phía trong ruột tủ có sơn phủ hay không. Thường ăn bớt sơn trong ruột tủ, sau này dễ mối mọt.

Mặt đá tủ bếp chỗ nối phải phẳng (kiểm tra bằng tay hoặc áp thước nhôm lên). Các cạnh phải đánh bóng đều, không còn vết mài. Chỗ đặt mặt chậu rửa tiếp xúc với mặt đá phải bơm silicon, vết bơm không được lem nhem.

Màu sắc: 

Kiểm tra như với cửa gỗ, lưu ý là tủ sơn bệt về độ nhẵn mặt trong cánh. Các cánh tủ khi kéo phải êm, không kêu, không chạm nhau. Các khẽ lắp ghép phải đều.

Hoàn thiện: 

Cánh tủ không được vênh. Lưu ý cánh tủ quần áo rất dễ vênh (ngắm bằng mắt hoặc áp các thước nhôm). Cánh mở ra đóng vào không bị chạm vào các cánh/kết cấu khác. Khi đóng các khe hở giữa các cánh, giữa cánh với cánh tủ phải đều. Các khe hở tối đa không quá 2mm.

Tủ phải sơn hoặc phủ đều các mặt

Bước 8: Kiểm tra ban công

Kiểm tra lan can sắt đã sơn chưa có chỗ nào mài chưa hết còn sắc hay nhọn không. Kính balcon hay sơn tĩnh điện khung sắt có bị trầy hay không. Thường do thi công mặt ngoài công trình rất dễ va chạm vật tư.

Cửa kỹ thuật mở vào chỗ cục nóng phải mở ra được nhẹ nhàng. Không bó rít hay ma sát.

Phải đảm bảo có phễu thoát nước riêng ở cả 2 khu Lô-gia và Phòng giặt phơi. riêng biệt với phễu thoát nước máy giặt.

Đóng cửa kính làm vài xô nước hắt thẳng vào cửa kiểm tra độ kín. Chú ý các khe tiếp giáp giữa khung và tường. Dội xuống sàn lô gia kiểm tra thoát nước.

Nên gõ nhẹ các mặt kinh, kiểm tra độ dãn nở có đảm bảo hay không. Tránh bị bể do tăng nhiệt độ sau này.

Kính ban công tự vỡ
Kính tư nổ, vỡ là bệnh thường gặp

Bước 9: Đo diện tích

Đo theo các kích thước yêu cầu trên bản vẽ. Phần diện tích nên đo đạc lại diện tích thông thủy, chốt các số liệu kích thước đo với bên bàn giao.

Bản vẽ nên được in hoặc copy ra A3 làm mấy bản để dễ nhìn, đánh dấu các vị trí yêu cầu sửa chữa, có thể chuyển cho chủ đầu tư 1 bản đánh dấu các vị trí cần sửa cho chính xác.

Có một số chung cư khi bàn giao chưa tiến hành việc đo đạc này mà đến khi chuẩn bị làm sổ đỏ thì họ mới thực hiện. Tuy nhiên nên kiểm tra trước với diện tích mà chúng ta đã bỏ tiền mua trong HĐMB. Trường hợp sai lệch trên dưới 2m2 thì sẽ được trả hoặc nộp thêm tiền mua căn hộ, còn trên dưới 5m2 thì chúng ta có quyền từ chối nhận căn hộ.

Đo đạc lại diện tích thông thủy thực nhận

Bước 10: Bước cuối cùng kiểm tra và nhận giấy tờ cần thiết

Tắt hết điện, nước, khóa cửa ban công lại ra cửa yêu cầu kiểm tra khóa cửa chính. Và yêu cầu bàn giao các loại remote và chìa khóa.

Nên reset lại mã và đặt mã mới, dán niêm phong lại (yêu cầu cả hai bên ký vào). Cái này nên làm vì chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi. Khi nghiệm thu xong rồi nhà thầu vẫn vào và thậm chí đổi, tháo thiết bị. Hoặc phá bẩn nhà.

Yêu cầu bàn giao các chỉ số đồng hồ điện, nước tại đồng hồ hiện tại. Ký vào checklist 2 bên.

Yêu cầu sơ đồ điện và ống nước để phòng trường hợp khoan trúng khi lắp đặt nội thất. Thường là chung trong bản vẽ kỹ thuật, nếu tách rời thì xin thêm.

Nhận bàn giao căn hộ cần Lưu ý: Sau khi kiểm tra các bước không có lỗi cần làm lại, rồi hãy ký bàn giao. 

Ký trước sau này bên kỹ thuật không ưu tiên sữa chữa cho lắm. Nếu chưa thì ghi các thay đổi và ý kiến nếu phát hiện lỗi.

Tập hợp các thay đổi cần sửa chữa theo bảng: Thứ tự, các hạng mục theo nhà mẫu, theo hợp đồng, các hạng mục thực tế, yêu cầu, kiến nghị.

Bản vẽ hoàn công có đủ dấu đỏ các bên: ít nhất là của chủ đầu tư, nhà thầu và giám sát thi công. Khá quan trọng khi thi công nội thất, thiết bị điện và nước sau này)

Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng

Biên bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy

Thẻ từ thang máy có đủ số lượng hay chưa

Bàn giao chìa khóa, copy hồ sơ giao nhận, sổ tay cư dân, qui chế sử dụng chung cư…

Nên đổi mật khẩu hoặc niêm phong khóa sau nhận nhà

Một lưu ý cuối 

Dó là thời gian bàn giao thường không nhiều tầm hơn 1 tiếng nên nếu có thể nên rủ thêm vài người cùng đi nhận bàn giao, mỗi người xem xét 1 khu vực để đảm bảo vừa nhanh vừa hiệu quả! Thường rủ sale đi là nhanh và có kinh nghiệm nhất

Nhận bàn giao căn hộ có thể rủ thêm người thân đi cùng
Gạch bị bong tróc sau khi vào sử dụng

Đoàn Vương Triều

Ở mỗi dự án khác nhau, tôi sẽ có những góc nhìn khác nhau để giúp khách hàng có thêm nhiều thông tin để dễ dàng hơn trong việc lựa chọn dự án. Có thể là mua ở đâu sống tốt, dự án nào chủ đầu tư uy tín, giải pháp tài chính nào phù hợp. Quý khách có thể chia sẻ với Vui an cư đầu tư cùng Mr. Triều 09166949 để đem lại cho quý khách những giải pháp phù hợp nhất có thể. Tôi là Đoàn Vương Triều - CEO Landcenter.vn cùng đồng hành với các chủ đầu tư xây dựng nên thương hiệu Landcenter uy tín được nhiều giới đầu tư biết đến. __ [Chi tiết liên hệ của tôi - CEO Đoàn Vương Triều | Mail: doanvuongtrieu@gmail.com | SĐT: 0909166949

Trả lời